Người xây dựng thương hiệu ‘Xóm gạo lứt’

Ở huyện Dầu Tiếng tỉnh Bình Dương, có một làng mà ở đó nhiều người ăn gạo lức theo thực dưỡng, nhiều người tự chữa lành bệnh nan y, và nhiều người nổi tiếng trong giới thực dưỡng

Làng này thuộc xã Thanh Tuyền, bất kỳ dân thực dưỡng nào trong nước cũng đều biết đến, và bất kỳ ai tìm hiểu về thực dưỡng cũng tìm đến đây. Mọi người gọi làng này bằng cái tên thân tình là “xóm gạo lức”.

Thế nhưng ít ai lưu tâm người đầu tiên mang phương pháp này về đây là ai. Anh Trần Thanh Phong, sinh năm 1969, mang thực dưỡng về đây từ năm 1986.

09-06-00_trng-26

Anh Trần Thanh Phong

Anh Trần Thanh Phong không may mắn như những đứa trẻ khác. Lúc sinh ra anh, mẹ mất sữa vì bị bệnh. Anh phải bú sữa ngoài nên cơ thể èo uột. Đến lúc 6 tuổi thì mẹ mất. Cơ thể không được khỏe mạnh kéo theo anh thường xuyên bị bệnh. Mỗi lần bị bệnh, anh rất buồn và rất sợ chết. Anh thấm thía cái chết của mẹ. Không ai dạy nhưng anh luôn cầu xin trời đất cho anh được sống. Lớn hơn một chút, anh nguyện ai mà chữa hết bệnh cho anh, anh sẽ theo suốt đời. Lúc này cứ vài tuần là anh phải nhập viện.

Anh thường xuyên đau bụng, ăn không tiêu, đầy hơi. Mỗi lần ăn vào là mệt, khó thở. Anh hay bị nổi mề đay, nổi thành mảng lớn, nổi ở bụng thì nguyên cả bụng, nổi ở má thì nguyên cả má. Ngứa kinh khủng, càng gãi càng ngứa, chạm nước càng ngứa. Anh thường bị nhức đầu. Anh nói do lúc đó ăn đường và trái cây rất nhiều.

Thời đó, xứ anh trồng mía nên trong nhà lúc nào cũng có đường. Hai loại thực phẩm thịnh âm này, làm gan nóng, gây nổi mề đay, gây nhức đầu và ảnh hưởng không tốt đến hệ tiêu hóa. Có lần anh bị sốt xuất huyết mém chết. Anh còn bị viêm amidan, gây khó thở do đờm nhiều nên bệnh viện đã cắt bỏ nó. Bây giờ anh tiếc nếu biết thực dưỡng sớm thì đâu phải cắt bỏ amidan.

Năm 1986, anh gặp được quyển sách “Ăn Uống và Sức Khỏe” của bác sĩ Lê Minh. Quyển sách hướng dẫn khá tỉ mỉ cách ăn gạo lức theo phương pháp thực dưỡng. Anh bắt đầu ăn gạo lức theo hướng dẫn của sách, lúc đó anh bước vào tuổi 17. Anh ăn theo số 7, nghĩa là chỉ ăn gạo lức với muối mè, và uống ít nước. Hết tháng đầu tiên thì chứng nổi mề đay cũng hết theo. Các chứng còn lại biến mất luôn sau 3 tháng ăn theo số 7. Sau đó anh ăn thêm chút ít rau nấu chín. Từ đó cho đến giờ đã 30 năm rồi, anh không hề uống thuốc dù là thuốc Đông hay thuốc Tây.

Lúc đó, dù chỉ ăn cơm với muối mè nhưng anh ăn rất ngon miệng và ăn nhiều, mỗi bữa anh ăn hết một lon gạo. Thời gian đầu chưa có kinh nghiệm, thấy ăn ngon nên ăn nhiều, bụng no rồi vẫn còn ăn, làm cho anh khó thở. Sau đó, rút kinh nghiệm không ăn no nữa, nên người dễ chịu. Càng ngày càng khỏe ra, anh cảm thấy sức khỏe tràn trề, thích làm việc, thích đọc sách. Công việc làm nông không phải là nhẹ nhưng anh không thấy mệt và thấy muốn làm suốt trong khi đó mỗi ngày chỉ ngủ 2-3 tiếng.

Lúc trước anh rất sợ con đỉa, con sâu, đặc biệt sợ ma, nhưng sau một thời gian ăn gạo lức anh không còn sợ thứ gì nữa. Trước đây anh rất ngại tiếp xúc với người khác, nhất là người lạ, bây giờ tự tin tiếp xúc với mọi người.

Sau khi hết bệnh, anh tập trung nghiên cứu và đọc sách báo thực dưỡng. Tất cả những quyển sách của tiên sinh dịch ra tiếng Việt anh đã đọc hết. Có những câu trong sách phải cần nhiều năm qua thực hành, qua suy nghiệm, mới hiểu được. Bây giờ anh xem sách vở là món ăn tinh thần. Một món ăn tinh thần nữa là gặp gỡ bạn bè để trao đổi kinh nghiệm thực dưỡng.

Anh nói: “Nếu chịu khó đọc sách và nghiên cứu thấu đáo thì không bao giờ bỏ thực dưỡng. Đọc sách cho ta hiểu được cơ sở lý luận của phương pháp thực dưỡng. Thực hành mà không lý thuyết là mù quáng”. Phải nghiên cứu để củng cố niềm tin đi trên đường thực dưỡng.

Anh làm đúng theo ước nguyện. Sau khi hết bệnh và sức khỏe được tăng cường, anh cố gắng hướng dẫn cho những người thân và người trong xóm ăn gạo lức để tiêu trừ bệnh và xây dựng sức khỏe. Nhiều người thoát khỏi bệnh nan y như bà Tư Quán hết bệnh ung thư tử cung; bà Hai To hết suy thận; bà Sáu Đàn hết bệnh trầm cảm… Đến lượt những người này hướng dẫn cho những người khác. Rồi những người khác hướng dẫn cho những người khác. Cùng hướng dẫn nhau nhiệt tình, vui vẻ và tận lực, tận tâm. Cứ như thế qua thời gian tạo nên xóm gạo lức thân thương

09-06-00_trng-27

Anh Phong luôn cố gắng hướng dẫn cho những người thân và người trong xóm ăn gạo lức để tiêu trừ bệnh và xây dựng sức khỏe

Trong thời gian đầu, những thực phẩm dưỡng sinh không có ở Bình Dương, phải xuống TP Hồ Chí Minh mới mua được. Thời đó, anh chỉ đi xe đạp. Vậy mà có ai nhờ đi mua thực phẩm dưỡng sinh là anh đi ngay. Anh đạp xe đi từ sáng sớm và về lại đến nhà là lúc mặt trời chuẩn bị lặn, không những đi một lần mà đi nhiều lần. Anh nói: “Lúc đó đạp xe xa vậy mà không biết mệt, mà còn phấn khởi nữa. Khi có sức khỏe tốt rồi thì làm việc gì cũng thích, nhất là giúp được người khác”. Quãng đường từ xóm gạo lức xuống Sài Gòn bây giờ phải mất hai tiếng rưỡi đi bằng xe máy.

Anh sẵn sàng chia sẻ phương pháp thực dưỡng cho bất kỳ ai miễn là họ có tâm tìm hiểu. Anh nói: “còn sống còn chia sẻ. Nguyện giúp đỡ, chỉ dẫn cách ăn, cách nghỉ ngơi một cách tận tình, chu đáo. Không sợ ảnh hưởng đến công việc”. Anh nói ăn gạo lức sạch sẽ thay đổi tố chất nhanh, tuy nhiên thời gian đầu là khó khăn, phải chiến đấu với cái thèm ăn. Chính cái thèm ăn làm mình dễ bỏ thực dưỡng. Không nên ăn no, không ăn phi thời, không ăn thực phẩm phi tự nhiên dù lao động chân tay hay trí óc. Ăn suốt đời chứ không phải ăn hết bệnh rồi bỏ thực dưỡng. Thấy khỏe ăn phá giới là mất sức khỏe ngay. Anh nhắc đi nhắc lại bí quyết là ăn ít. Anh khuyên không nên làm việc quá sức, làm việc vừa sức thì dẻo dai lắm.

Anh nói khi thay đổi chế độ ăn và ăn theo thực dưỡng, cô bác cố gắng chịu đựng trong thời gian đầu, sẽ khó chịu về thể xác, chán nản về tinh thần. Đừng lo, rồi sẽ qua đi nhanh, người sẽ khỏe ra và tinh thần sẽ an vui. Cảm thấy ngán cứ ăn ít, thậm chí nhịn vài bữa cũng được. Nếu còn ăn mặn, nên ăn cá, tép nhỏ, không nên ăn thịt những loài lớn. Tránh thịt, cá hoàn toàn thì tốt hơn. Chỉ cần ăn cơm, ít rau là đủ. Ngoài ra, nên đọc sách thực dưỡng của tiên sinh Ohsawa, người sáng lập phương pháp thực dưỡng, để nắm vững cơ sở lý luận, không nghiên cứu lý thuyết là thiếu sót lớn. Trao đổi kinh nghiệm với những cô bác đã ăn trước đó. Trao đổi với người có kinh nghiệm sẽ rút ngắn thời gian nghiên cứu. Nhiều người không biết chữ thì nói chuyện trao đổi là phương tiện tốt.

Anh nhấn mạnh mục đích của thực dưỡng là sống khỏe và sống vui. Hướng vào thực dưỡng, ăn uống quân bình và tự nhiên, sẽ nảy sinh tình thương, dù bị trái ý, không phải tình thương ủy mị, không hận thù, không đố kỵ. Tình thương rộng mở, không phân biệt, hòa hợp với nhau dù ở lứa tuổi nào, quốc gia nào, đó là cái gốc của hòa bình.

Tính tình của anh thay đổi từng ngày theo thời gian nhai gạo lức. Anh nói: “Những lúc người thân nói chướng tai đó là lúc kiểm tra tính khí của mình. Vui nhất là kiểm soát được tính khí, không quá giận cũng không quá vui. Gặp người làm trái ý cứ nhẫn nhịn, không phải nhẫn để trả thù. Cái tâm tự nhiên bảo vậy”.

Chế độ ăn hiện thời của anh là cơm lức, tương miso, tamari, rau củ thiên nhiên, một ít trái cây, uống trà bancha, trà gạo lức. Anh không ăn thịt cá hơn 10 năm rồi. Kinh nghiệm cho anh biết uống nước nhiều làm cơ thể nhanh mệt, uống ít làm cơ thể dẻo dai hơn.

Cả gia đình anh đều ăn theo thực dưỡng. Anh có hai người con, con gái 7 tuổi và con trai 3 tuổi. Anh biết được thực dưỡng giúp kiến tạo sức khỏe và phát triển trí tuệ nên áp dụng cho hai người con.

Anh nghĩ mọi người nên theo thực dưỡng. Cách sống thuận tự nhiên bảo đảm sức khỏe thể xác, lẫn sức khỏe tinh thần, không dành riêng cho một cá nhân nào. Nếu được làm người ở kiếp sau, anh vẫn sống theo thực dưỡng, sống thuận trật tự vũ trụ

Bình luận


SAO TRUNG BÌNH

0
5
0 đánh giá
4
0 đánh giá
3
0 đánh giá
2
0 đánh giá
1
0 đánh giá
Vui lòng chọn sao:
*Email của bạn được bảo mật.
CAPTCHA

Bài viết liên quan

084 909 5959
084 909 5959
Zalo chat