Thực dưỡng là gì?
THỰC DƯỠNG LÀ GÌ?
Phương pháp thực dưỡng là phương pháp ăn uống và sinh sống thuận theo tự nhiên, lấy triết lý Âm Dương của Đông phương làm nền tảng và lấy hạt cốc (như gạo lức, lúa mì lức…) làm thức ăn chính.
Cách nay ba, bốn chục năm, người ở quê tôi ăn uống rất đơn giản, chủ yếu ăn cơm và ăn thêm một ít thức ăn khác như rau củ hoặc thịt cá. Tôi còn nhớ, lúc bà nội tôi còn sống, nội kho cá rất mặn, lớp muối bằng với lớp cá, quê tôi gọi là kho diêm. Lúc ấy, một con cá bằng ngón tay ăn đủ cả bữa cơm với bốn, năm chén cơm. Bây giờ tôi mới hiểu tại sao nội kho cá mặn như vậy. Bởi vì cá là thức ăn phụ, chỉ làm mồi để ăn được nhiều cơm và ăn cá rất ít.
Cơm lúc đó nấu từ gạo xay tay nên vẫn còn lớp cám. Hôm nào muốn ăn rau chỉ cần ra vườn một lát là có đủ rau luộc, rau nấu canh. Hồi còn học phổ thông, tôi ăn hết một lon gạo nấu cơm mà chưa thấy no. Buổi sáng tôi cũng như bạn bè hàng xóm thường ăn cơm nguội với muối hột. Vậy mà đứa nào cũng khỏe. Trí nhớ lúc đó của tôi tốt hơn bây giờ nhiều. Cả làng hiếm khi thấy có người đau ốm. Có đau ốm đi nữa cũng là những chứng nhẹ, chỉ cần ra vườn hoặc sang nhà hàng xóm hái một vài thứ lá uống vài hôm là hết đau ốm. Buổi chiều, thường ăn cơm trước khi mặt trời lặn. Ông bà bảo buổi tối không nên ăn cơm vì khi nghe chén dĩa khua, ma sẽ vào nhà. Hồi nhỏ nghe vây cũng sợ nên hiếm khi ăn tối. Sau này mới biết ăn tối là nguyên nhân của một ngàn lẻ một chứng bệnh. Ăn uống như trên được gọi là ăn uống theo thực dưỡng.
Ngày xưa, con người ăn uống thuận theo thiên nhiên và sống hòa hợp với âm dương. Người xưa chủ yếu ăn ngũ cốc, ăn một ít rau củ, một ít trái cây theo mùa, rất ít thịt cá. Ngày xưa không có trái cây trái mùa. Đa số thực phẩm đều đánh bắt hoặc thu hái từ thiên nhiên. Con người chưa biết sử dụng hóa chất trong việc trồng trọt, trong bảo quản thức ăn và trong các công việc khác. Ngủ sớm dậy sớm. Hồi còn đi học ở quê, 7-8 giờ tối mọi nhà đều đi ngủ hết; đến 4-5 giờ sáng đã thức dậy. Các chú bác đưa bò ra đồng cày ruộng lúc gà gáy và đến sáng mặt trời lên một hai sào (khoảng 8-9 giờ sáng) liền đưa bò về nhà nghỉ ngơi. Cách sống này cũng là cách sống của người thực dưỡng.
Từ khi khoa học hiện đại phát triển, con người bắt đầu có nhiều công cụ trong tay và dần dần con người sống và ăn uống nghịch với thiên nhiên. Gạo đem đi xay trắng nhờ máy xay gạo. Đem phân hóa học, thuốc trừ sâu, thuốc tăng trưởng, thuốc diệt cỏ, chất tạo nạc, chất bảo quản và nhiều loại chất hóa học khác sử dụng trong quá trình trồng trọt, chăn nuôi, chế biến và bảo quản. Các chất hóa học nêu trên làm thay đổi thành phần và tính chất của thức ăn. Đó là nguyên nhân tạo nên nhiều loại bệnh (trong đó có các chứng bệnh nan y và bệnh lạ) cho những người ăn phải thực phẩm này. Như thế này là trái với thực dưỡng.
Khi có nhiều công cụ trong tay, con người có điều kiện làm được nhiều thứ nhưng thời gian lại có hạn nên phải thức nhiều ngủ ít hoặc đêm làm ngày ngủ hoặc thức khuya dậy trễ. Những điều này làm xáo trộn nhịp sinh học của cơ thể, lâu ngày sinh bệnh tật. Rồi bị áp lực của công việc. Rồi cạnh tranh với nhau. Những thứ này gây xáo trộn tâm lý mà sinh bệnh. Và còn nhiều nguyên nhân gây bệnh nữa… Lối sống như thế này không hợp với người thực dưỡng.
Khi con người ăn uống trái với tự nhiên, từ “phương pháp thực dưỡng” mới xuất hiện để phân biệt với cách ăn uống sai trái này. Ở nước ngoài là từ “Macrobiotic”, ở Việt Nam là từ “phương pháp thực dưỡng”. Từ “thực dưỡng” mới chỉ xuất hiện sau năm 1975. Trước đó thường gọi là “gạo lức muối mè”.
Phương pháp thực dưỡng là phương pháp ăn uống và sinh sống thuận theo tự nhiên, lấy triết lý Âm Dương của Đông phương làm nền tảng và lấy hạt cốc (như gạo lức, lúa mì lức…) làm thức ăn chính. Nhờ cách ăn uống đúng đắn này mà chúng ta đạt được thân thể khỏe mạnh (bệnh tật bị đẩy lùi), tinh thần vui vẻ, gia đình hạnh phúc, sự nghiệp bền vững và trí tuệ phát triển.
Hiện nay, để tri ân bậc thiện tri thức, nhiều người nhìn nhận phương pháp thực dưỡng được sáng lập bởi tiên sinh George Ohsawa (1893-1966), người Nhật. Nhưng tiên sinh không thừa nhận như vậy. Có người hỏi tiên sinh: “Tại sao ngài sáng lập ra phương pháp thực dưỡng?” Tiên sinh trả lời: “Tôi không phải là người sáng lập. Tôi chỉ khám phá ra những điều đã có rồi.”
Thông qua con đường ăn uống, tiên sinh Ohsawa mong muốn mọi người được khỏe mạnh, thoát khỏi cảnh khổ đau vì bệnh tật cả về thể xác lẫn tinh thần và muốn mọi người phát triển trí tuệ để nhận ra trật tự vũ trụ để sống thật với chính mình. Tiên sinh đã bỏ ra cả cuộc đời mình để nghiên cứu ăn uống và đúc kết lại thành những nguyên lý cho hậu thế thực hành theo. Phương pháp thực dưỡng du nhập vào Việt Nam năm 1963 và tiên sinh đến Việt Nam năm 1965 để gặp các đệ tử thực dưỡng. Từ đó thực dưỡng phát triển ở Việt Nam.
Người Việt từ thời Vua Hùng đã ăn uống và sinh sống theo thực dưỡng. Thời ấy đã sử dụng gạo, nếp qua “Sự Tích Bánh Chưng, Bánh Dầy”. Gạo, nếp lúc đó chắc chắn là gạo lức, nếp lức vì thời đó không sử dụng máy xay gạo như bây giờ. Qua “Sự Tích Bánh Chưng Bánh Dầy”, chúng ta thấy rõ tổ tiên mình đã tôn hạt gạo lên hàng thượng phẩm, thượng vị, không một sơn hào hải vị nào bằng. Sự tích này còn nhắc nhở con cháu không được quên hạt gạo lức là thức ăn chính của con người và muốn đất nước tiếp tục vững mạnh phải lấy hạt gạo lức làm nền tảng thức ăn cho dân (qua hành động truyền ngôi của vua cha cho người con sử dụng gạo lức). Lang Liêu, người được truyền ngôi, là người có tính tình hiền hậu, lối sống đạo đức, hiếu thảo với cha mẹ. Điều này khẳng định những người lấy gạo lức làm thức ăn chính là bậc tài đức song toàn.
Như vậy, người Việt đã sử dụng gạo lức làm thức ăn chính từ xa xưa và lúc đó tổ tiên mình không gọi là phương pháp thực dưỡng vì đó là cách ăn tự nhiên như chúng ta đang hít thở khí trời vậy. Ngày xưa con người ăn gạo lức hoặc ngũ cốc thì ngày nay con người cũng ăn gạo lức hoặc ngũ cốc, giống như ngày xưa mặt trời mọc ở hướng Đông và bây giờ mặt trời vẫn mọc ở hướng Đông.
Đông y sỹ Đặng Ngọc Viễn